Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Phó chủ tịch Quốc hội lo túi tiền quốc gia khi 'làm 10 đồng thì 3 đồng để trả nợ'

Lãnh đạo Quốc hội tỏ ra lo lắng và sốt ruột về an ninh tài chính quốc gia khi cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, ngày 17/10.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với tình hình hiện nay thì năm 2017 tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách sẽ khoảng 27%. Mức này chỉ cách giới hạn “báo động đỏ” của thế giới 3%.

Theo tờ trình, Chính phủ đưa ra kịch bản sẽ nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ trên GDP từ mức 50% hiện nay lên 55%. Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách – ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ giai đoạn 2016-2020 cần lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia là mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2016-2020.
“Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Góp ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép vào cuối năm 2015, hiện đã ở mức 50,3% GDP. Chính phủ đề nghị nâng mức trần lên 55% GDP trong 5 năm tới, trong khi Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị kiểm soát ở mức 53% và giữ nguyên mức trần nợ công 65%GDP.
pho-chu-tich-quoc-hoi-lo-tui-tien-quoc-gia-khi-lam-10-dong-thi-3-dong-danh-tra-no
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lo lắng khi hiện tất cả các chỉ tiêu liên quan tới quản lý nợ công đều khó khăn. Ảnh: VPQH
“Tôi thấy không có đề nghị nới trần nợ công 65% GDP, nhưng Chính phủ lại đưa ra kịch bản dự báo rằng, nếu GDP không đạt, thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP. Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không?”, ông Hiển đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình thêm
Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện tất cả những chỉ tiêu liên quan tới quản lý nợ công đều khó khăn. Ông đơn cử, số trả nợ gồm trả nợ gốc và lãi trên thu ngân sách không được vượt quá 25%, nhưng thực tế tới cuối 2015 đã là 29,2%.
Với tình hình hiện nay thì năm 2017 tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách sẽ khoảng 27%. Mức này chỉ cách giới hạn “báo động đỏ” của thế giới 3%. “Điều đó có nghĩa, cứ 10 đồng làm ra thì tới 3 đồng phải dùng trả nợ”, ông Hiển tỏ ra sốt ruột.
Giải trình trước cơ quan thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, GDP không đạt kế hoạch, nên thu ngân sách giai đoạn tới cũng chỉ là dự báo, không chắc chắn.
“Nếu không làm chắc chắn thì 5 năm nữa nhìn lại chúng ta sẽ thấy bức tranh vô cùng khó khăn. Cá nhân tôi cũng đã phát biểu trước Chính phủ về vấn đề này”, Bộ trưởng Tài chính nói.
Với kinh nghiệm điều hành và lên kế hoạch dự báo ngân sách, ông Đinh Tiến Dũng thiết tha đề nghị, cần chặt chẽ hơn trong kế hoạch bố trí đầu tư công và kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm chỉ là định hướng, chứ không nên chia cứng cho từng công trình, dự án. Nếu không, năm 2020 nhìn lại sẽ vô cùng khó khăn, nhất là chuyện đầu tư dàn trải, nợ đọng… kể cả đề xuất để lại 10% ngân sách dự phòng.
“Hôm nay ngồi ở đây không ai dám chắc số liệu của 5 năm tới, kể cả dự báo về chỉ tiêu GDP. Ngay cả năm nay chỉ còn 2 tháng nữa nhưng chúng ta vẫn còn chưa thể chắc chắn về con số tăng trưởng cuối cùng.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển lưu ý thêm, phải khống chế để nợ công không quá 65%GDP, nợ Chính phủ từ 53 đến 55%.
Về kế hoạch tài chính 5 năm, đề nghị Chính phủ xây dựng dựa trên Luật Ngân sách Nhà nước và đưa ra 3 kịch bản: mức trần, trung bình và thấp để Quốc hội có thêm thông tin, thảo luận tại kỳ họp thứ 2 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới.
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng phải dựa trên kế hoạch tài chính 5 năm, xác định tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản là 2 triệu tỷ đồng (trong đó để lại 10% dự phòng) và phải làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí, trật tự ưu tiên với các nguồn vốn sẽ sử dụng….
“Cấp nào quyết định để xảy ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì phải chịu trách nhiệm”, Phó chủ tịch chốt lại.
Yêu cầu Chính phủ đánh giá việc MobiFone mua truyền hình AVG
Thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, Uỷ ban Kinh tế yêu cầu đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn nhà nước không tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Cụ thể, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ đánh giá việc MobiFone mua Công ty AVG, sử dụng đất tại các doanh nghiệp Nhà nước như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam....
Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm, như dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng); dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng); dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An (tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng); dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng). Cơ quan này cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo thêm về kết quả hoạt động, xử lý nợ của Vinashin, Vinalines cho đến nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét